Thông tin mới nhất từ AAC

AAC (news): IELTS, TOEIC, Tiếng anh, trẻ em, thiếu niên, người lớn, trung tâm tại Hà Nội

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

“Cùng làm điều hay – Chung tay quyên góp”

Các em sẽ biết trân trọng những đồ vật xung quanh, hiểu được rằng còn có rất nhiều bạn nhỏ kém may mắn hơn mình và điều quan trọng hơn cả là biết cảm thông, chia sẻ...
 Các ông bố, bà mẹ trẻ ngày nay ngoài việc chóng mặt với “cơm áo gạo tiền” còn rất đau đầu giải quyết rất nhiều “bài toán khó” khác chỉ với mong muốn mang lại cho con em mình một cuộc sống thoải mái và một tương lai tốt đẹp.
Ngày ngày thấy con mình còng lưng vác chiếc cặp sách đi học, chị Thảo không khỏi xót xa:
“Người với cặp to gần bằng nhau, không khéo thằng bé bị gù lưng mất thôi! Mà nếu không gù lưng thì chắc cũng lùn tịt không cao nổi với cái cặp như thế!”
Đây không phải là băn khoăn của riêng mình chị Thảo, nhưng “bài toán” này cũng có những “lời giải” nhất định ví dụ như mua một chiếc cặp có tay kéo và bánh xe (giống chiếc vali của người lớn). Không biết “lời giải” này có phải chính xác nhất hay không nhưng rất nhiều phụ huynh đã áp dụng và đúng là các em đi học hàng ngày đã đỡ vất vả hơn.

Anh Tuấn Anh thì lại rất lo lắng vì thấy con mình suất ngày “vật lộn” với lịch học chính khóa và phụ đạo, tương ứng với những giờ học đó là khối lượng bài tập về nhà cứ thế mà nhân lên. Chủ Nhật hàng tuần, anh đều cố gắng thu xếp thời gian cho con ra công viên chơi nhưng cu cậu cũng không hứng thú lắm vì không có bạn bè và chê công việc… bẩn quá.
“Tôi thấy lo khi con tôi suốt ngày phải cắm mặt vào sách vở, thiếu giao tiếp bạn bè và tiếp xúc xã hội. Điều này rất đáng lo ngại vì có thể cháu sẽ phát triển không đồng đều về mặt tâm lý. Khi anh chị em họ cháu tới chơi hoặc bạn bè tôi cho con tới chơi nhà, cháu cũng không thoải mái khi giao tiếp và tuyệt đối chưa bao giờ chia sẻ đồ chơi!” – Anh Tuấn Anh chia sẻ.
Đúng là có một thực trạng rằng hầu hết các bạn nhỏ ngày nay đều phải dành hết thời gian cho việc học mà không có thì giờ để vận động thể chất. Cuộc sống ngày một khép kín và thời gian biểu dầy đặc cũng là lý do các em bị hạn chế tiếp xúc hay tham gia các hoạt động xã hội. Chính cách sống này đã vô tình là một rào cản, trở ngại cho việc hòa nhập vào xã hôi của các em sau này.

Nằm trong chuỗi hoạt động ngoại khóa hàng năm, Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC (65 Quán Sứ, Hà Nội) sẽ tổ chức chương trình “Cùng làm điều hay – Chung tay quyên góp” vào lúc 9:00 Chủ Nhật, 08/05/2011. Phụ huynh có thể đăng ký vé mới miễn phí cho con em mình trực tiếp tại AAC hoặc qua số điện thoại 04. 3942 6725 / 3942 6726 trước ngày 06/05/2011.
Chương trình dự kiến bao gồm các tiết mục văn nghệ, trò chơi, xiếc ảo thuật sẽ mang đến cho các em một buổi sáng Chủ Nhật thật đáng nhớ. Tiêu điểm của chương trình sẽ là phần tiếp nhận những đồ quyên góp mà tận tay các em đã chuẩn bị, đóng gói một cách cẩn thận dành tặng cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Các em có thể quyên góp đồ dùng học tập, sách vở, quần áo, đồ chơi cũ của mình hay thậm chí là hộp sữa, gói bánh, túi kẹo mà các em để dành được.
Thông qua chương trình này, các em sẽ biết trân trọng những đồ vật xung quanh, hiểu được rằng còn có rất nhiều bạn nhỏ kém may mắn hơn mình và điều quan trọng hơn cả là biết cảm thông, chia sẻ.
Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC dành tặng 100 suất học bổng và ưu đãi cho các bạn nhỏ may mắn trong chương trình.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

30/4 và 1/5 bạn sẽ làm gì?

 Thân chào bạn! 

  Nhân dịp 30/41/5, Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC mang đến cho các bạn chương trình khuyến học Tặng khóa học Luyện Phát Âm Chuẩn với 100% giảng viên bản ngữ trị giá 4.000.000đ trong khuôn khổ Chương trình học bổng thường niên trị giá 1 tỷ đồng của AAC.

Chương trình áp dụng đến hết 29/04/2011.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ (04) 3942 6725 / 3942 6726.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

“End” và “Finish” trong tiếng Anh được hiểu thế nào?

Là động từ, Finish được hiểu với nghĩa hoàn thành một việc gì đó còn End là kết thúc, chấm dứt một việc dù có thể chưa có kết quả...

Linh: Anh John à, trong kỳ trước, sau khi giải đáp sự khác nhau giữa Start/Begin, có rất nhiều bạn đọc tỏ ý muốn tìm hiểu thêm về các cặp từ có nghĩa giống nhau rất khó phân biệt cách dùng. Linh thấy đã có Start/Begin, hay là hôm nay anh John hãy chia sẻ cách sử dụng của End/Finish đi?
 
 
John: Về sự khác nhau giữa EndFinish, đây là một câu hỏi rất khó đã từng nhận được rất nhiều câu trả lời với các khía cạnh khác nhau. Thật ra cũng không có một định nghĩa chính xác nào để phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa 2 từ này cả. Sau đây John xin được chia sẻ theo cách hiểu của mình:
-         Khi được sử dụng là một danh từ, FinishEnd có sự khác biệt rõ hơn một chút. Đối với sự kết thúc vật lý (điểm kết thúc của một đoạn đường, sợi dây…) thì Finish không thể dùng thay End. Endmang nghĩa đột ngột hơn, dứt khoát hơn. Finish được sử dụng với những kết thúc có chủ định, do đã “hoàn thành” mục tiêu đã đề ra chứ không hẳn là bắt buộc phải kết thúc:
o       Stop at the finish (dừng tại vạch kết thúc) - Không có nghĩa là đến vạch đó là hết đường mà phải dừng lại, vẫn có thể đi tiếp được.
o       Stop at the end of the road (đi đến hết đường thì dừng lại) - Chỗ đó là chỗ kết thúc của con đường rồi, đến chỗ đó thì bắt buộc phải dừng lại không thể đi tiếp.
 
 
Linh:
-         Là động từ, Finish được hiểu với nghĩa hoàn thành một việc gì đó còn End là kết thúc, chấm dứt một việc dù có thể chưa có kết quả. Khác biệt này có thể nhận thấy qua ví dụ:
o       They couldn’t finish the race. They had to end it because of heavy rain (Họ đã không thể kết thúc (hoàn thành) cuộc đua được. Họ đã phải dừng lại vì có cơn mưa to quá) - Câu trước dùng Finish vì tình huống ở đây là họ dừng lại, không hoàn thành cuộc đua để chọn ra người thắng thua, cuộc đua chưa có kết quả, nhấn mạnh đến tính kết quả. Vế sau dùng End vì chỉ muốn nói đến việc quyết định dừng cuộc đua vì có lý do khách quan, chưa có kết quả thắng thua gì cả.
o       Không thể dùng End cho câu đầu và Finish cho câu sau được vì nếu thích, họ có thể dừng (could end) cuộc đua bất cứ lúc nào nhưng để kết thúc, hoàn thành (finish) cuộc đua, chọn ra người thắng thua cần phải có một quá trình các tay đua đua với nhau.
 
 
John:
-         Để hiểu rõ hơn ta hãy xét ví dụ:
o       They finish work at 5 o’clock (họ xong việc - thôi không làm việc nữa và về nhà chẳng hạn - lúc 5 giờ). - Có nghĩa là họ thu xếp hoàn thành các công việc cần thiết nói chung vào 5 giờ hàng ngày để về nhà. Nếu muốn, họ có thể làm thêm giờ hoặc làm thêm việc khác.
o       He ended his career with a very big live show (anh ta đã kết thúc sự nghiệp với một buổi biểu diễn rất lớn). - Có nghĩa là kết thúc luôn, sau đó anh ta không còn tiếp tục sự nghiệp nữa.
Linh: Các bạn hãy tự phân tích các ví dụ sau nhé:
o       Come to visit me when school year ends.
(Hãy đến thăm bà khi kết thúc năm học nhé.)
o       We will finish school at the end of this year.
(Cuối năm nay là chúng tôi sẽ học xong.)
o       There’s always light at the end of the tunnel.
(Luôn có ánh sáng ở cuối đường hầm - “Khổ tận cam lai”)
o       Finish your homework and then you can watch TV.
(Làm xong bài tập về nhà đi rồi mới được xem TV.)
o       I haven’t finished my book yet because I just don’t know how to end the story.
(Tôi vẫn chưa hoàn thành cuốn sách vì tôi không biết phải kết thúc câu chuyện như thế nào nữa.)
o       The children finished off all the cakes right after the party ended.
(Bọn trẻ đã ăn hết bánh ngay sau khi buổi tiệc kết thúc.)
 
John & Linh: Thân chào và hẹn gặp lại!

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Luôn nhìn vào mặt sáng của cuộc sống

Trong tiếng Anh có một số câu hay được dùng để động viên người khác. Có thể là nói trực tiếp theo kiểu “hãy vui lên” hoặc cũng có thể theo kiểu văn hoa hơn một tí, đi vòng vèo một tí.

John: Hết Tết rồi mà Linh mua hoa đào làm gì thế?
Linh: Hoa đào đẹp mà anh John, một năm chỉ có một mùa.
John: Thấy bảo đào Hà Nội năm nay mất mùa, thế mà cuối cùng cũng không đến nỗi tệ lắm nhỉ.
Linh: Thì cuộc sống lúc nọ lúc kia, cứ lạc quan thì thể nào may mắn cũng đến, nhỉ!
John: Đúng rồi, always look on the bright side of life - luôn nhìn vào mặt sáng của cuộc sống!
Linh: À, đúng rồi, nhân tiện đây, anh John dạy Linh một số cách để khích lệ, an ủi người khác nhé.
John: Đơn giản thôi. Trong tiếng Anh có một số câu hay được dùng để cheer somebody up (động viên ai đó). Có thể là nói trực tiếp theo kiểu “hãy vui lên” hoặc cũng có thể theo kiểu văn hoa hơn một tí, đi vòng vèo một tí.
Linh: Cụ thể là như thế nào hả anh John?
John: Bình tĩnh nào. Khi thấy ai đó mặt mày “bí xị”, để động viên, đơn giản ta có thể nói Cheer up! (hoặc Chin up!), Lighten up! hay bảo bạn hãy cười lên Smile! Đây là những phương án thân mật và đơn giản nhất.
John: Khi có những chuyện không hay xảy ra, để an ủi, có thể nói rằng “Chưa phải ngày tận thế đâu” (It's not all doom and gloom! Hay It's not the end of the world!). Trong trường hợp này tiếng Anh có một câu rất hay đó là Worse things happen at sea với hàm ý rằng “bạn vẫn còn may mắn chán, những người đi biển còn có khả năng gặp phải những điều không hay hơn nữa kìa”.
Tương tự còn có It could be worse, có nghĩa là như vậy vẫn còn may chán. Câu này rất hay được dùng trong giao tiếp.
Linh: Người Việt Nam có câu Trong cái rủi vẫn có cái may, dịch sang tiếng Anh có câu nào tương tự không anh?
John: Để anh nghĩ xem nào… À, có câu Every cloud has a silver lining!
Linh: Để nói rằng cái xấu đã qua đi, ngày mai tươi sáng còn ở trước mặt thì nói thế nào hả anh?
John: Nếu như việc không may đã qua đi, có thể nói We've turned the corner, với ý rằng từ giờ trở đi mọi việc sẽ tốt đẹp. Hoặc cũng có thể nói There's no use crying over spilt milk để nói rằng việc xấu đã qua đi rồi, không đáng để than khóc, để buồn nữa.
Trong trường hợp chúng ta muốn khích lệ một người bạn đang gặp chuyện khó khăn, chúng ta có thể nói Nothing lasts forever! tức là chuyện gì cũng sẽ qua nhanh thôi. Hay cũng có thể động viên rằng There's a light at the end of the tunnel - qua cơn mưa trời lại sáng.        
Linh: Linh thấy người ta hay nói April showers, có nghĩa là gì hả anh John?
John: April showers là rút gọn của câu April showers bring May flowers. Ở nước Anh, tháng 4 thường có rất nhiều mưa lớn, mưa đá, mưa tuyết… nhưng tháng 5 thì cây cối bắt đầu đơm hoa rất đẹp nên mới có câu này, ngụ ý rằng khi giông tố qua đi cũng là lúc một sự khởi đầu tốt lành đang đến.
Linh: Nhắc mới nhớ, có một bài hát mà Linh rất thích là bài Always look on the bright side of life. Mỗi khi buồn chán, Linh đều bật bài này lên nghe. Nghe rất “nhộn”, cảm thấy vui vẻ hẳn. Mời các bạn cùng nghe nhé!
 nếu không xem được clip ở dưới mời bạn click vào đây

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

HỌC TIẾNG ANH MIỄN PHÍ – TẠI SAO KHÔNG?


    Tiếng Anh ngày một trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Rất nhiều bạn nhỏ đã được phụ huynh cho tiếp xúc với tiếng Anh thậm chí trước cả khi học viết tiếng  Việt.
Mặc dù các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng đây là lứa tuổi tốt nhất để bắt đầu học một ngôn ngữ mới nhưng việc dạy và học lại đòi hỏi sự cẩn trọng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ở lứa tuổi này, các em như một trang giấy trắng, sẽ in dấu từng nét từng nét chữ viết lên đó và hằn sâu cho đến sau này. Thế nên, nếu những nét chữ đầu tiên này cần phải thật chuẩn để làm mẫu cho những nét chữ trong suốt cả cuộc đời các em.
    Đây cũng là một thời điểm mà các em rất nhạy cảm với sự thay đổi. Nếu phương pháp giảng dạy không tốt sẽ gây cho các em một cảm giác chán nản và thậm chí là sợ tiếng Anh và về sau sẽ như một rào cản “chềnh ềnh” chắn giữa các em và thứ ngôn ngữ quốc tế này.
Chính vì vậy, rất nhiều phụ huynh đã rất “đau đầu” khi tìm cho con em mình một địa chỉ tin cậy để gửi gắm: “Làm thế nào để lựa chọn khóa học phù hợp?”, “Làm thế nào để cân đối giữa chi phí và chất lượng giảng dạy?”…
Để giải tỏa phần nào băn khoăn của quý vị phụ huynh, Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC xin mang đến chương trình khuyến học “Học tiếng Anh miễn phí – Tại sao không?” nằm trong khuôn khổ chương trình học bổng thường niên của mình:
Hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn và biết thêm thông tin chi tiết:
04. 3942 6725 / 3942 6726
Chương trình có thể thay đổi mà không cần thông báo trước.


Điều khoản áp dụng:
·        Trẻ em từ 5 đến 10 tuổi có trình độ tương đương các lớp Ekid của AAC, không áp dụng nếu học viên có trình độ không phù hợp.
·        Chỉ áp dụng với học viên mới, KHÔNG áp dụng với học viên cũ của AAC.
·        Lớp học miễn phí này chỉ có giá trị đăng ký trong tháng 4 và chỉ có giá trị sử dụng đến tháng 5. Quá thời hạn này, học bổng không còn giá trị sử dụng.
·        Phụ huynh chỉ có thể lựa chọn trong số 1 hoặc nhiều lịch học mà AAC đưa ra, nếu không theo học được lịch học này, AAC không chịu trách nhiệm.
·        Không áp dụng cùng các chương trình khuyến học khác (nếu có).

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

ƯU ĐÃI LỚN CHO TRẠI HÈ SINGAPORE, ANH, ÚC, MỸ 2011


Hãy cùng AAC làm cho mùa hè 2011 của bạn thêm ý nghĩa với các chương trình du học hè, trại hè cùng các bạn học sinh từ khắp nơi trên thế giới.
Hãy cùng khám phá             
         Singapore – Quốc đảo Sư tử
Anh Quốc mờ sương cổ kính
Nước Mỹ phồn hoa
Nước Úc sôi động đầy nắng
Mỗi chương trình tới mỗi nước đều có những điểm nhấn riêng, những bất ngờ riêng và những trải nghiệm mới lạ đang chờ đón các bạn. Nếu các bạn chọn điểm đến là Anh Quốc, Mỹ hay Úc thì các bạn có thể chọn chương trình đến các thành phố khác nhau mà các bạn cảm thấy phù hợp nhất. Nếu tham gia chương trình đi Singapore, các bạn cũng sẽ có các lựa chọn để mở rộng chuyến đi của mình đến Malaysia.
Riêng đối với chương trình tại Singapore, học viên tham gia sẽ có cơ hội được sinh hoạt và học cùng học sinh cấp 2 bản sứ trong 3 ngày. Đây sẽ là một trải nghiệm thực sự quý giá và khó quên.
Hãy đăng ký tham gia Trại hè 2011 (du học hè 2011) sớm để được nhận ưu đãi bằng tiền và quà tặng giá trị từ Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC – 65 Quán Sứ, Hà Nội.
(Chương trình trại hè 2011 )
Các chương trình ưu đãi này có thể kết thúc hoặc thay đổi mà không cần báo trước. Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC
65 Quán Sứ, Hà Nội
3942 6725 / 3942 6726

Sự khác nhau giữa 2 từ Start và Begin trong tiếng Anh

Start thường mang đến một cảm giác nhanh, mạnh và bất ngờ, như là một hành động xảy ra vào một thời điểm. Còn Begin thường mang đến cảm giác từ từ hơn, chậm rãi hơn và nói về một quá trình...
Linh: Xin chào các bạn! Tuần vừa rồi, hòm thư john.linh@aac.edu.vn lại đầy ắp thư của bạn đọc khắp nơi gửi về.
John: Một lần nữa John & Linh lại phải xin lỗi vì không thể phản hồi tất cả số lượng thư đã gửi đến được.
Linh: Hôm nay, John & Linh xin được phản hồi thư của bạn Phan Thuc Dinh (xin được giấu địa chỉ email). Trong thư bạn đã chia sẻ thắc mắc về sự khác nhau giữa 2 từ Start - Begin.
John: Sự khác biệt đầu tiên là Start có thể được sử dụng như một động từ và cả như một danh từ còn Begin chỉ là động từ mà thôi.
  Về nghĩa, hầu như không có sự khác biệt, 2 từ này có thể dùng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của John thì cần lưu ý một số điểm như sau:
-         Về mức độ, Start thường mang đến một cảm giác nhanh, mạnh và bất ngờ, như là một hành động xảy ra vào một thời điểm. Begin thường mang đến cảm giác từ từ hơn, chậm rãi hơn và nói về một quá trình.
Linh: Ví dụ:
            You should start doing it now or you’ll be late! (Bạn nên bắt đầu làm việc đó luôn đi không có là muộn đó) - nghe như có sự giục giã, sự cấp bách.
            She begins to cry when Jack makes Rose promise she will survive. (Cô ấy bắt đầu khóc khi Jack bắt Rose hứa sẽ phải sống sót) - cô ấy từ từ bắt đầu khóc chứ không khóc òa lên luôn.
  John:
-         Begin không được dùng thay cho Start trong các trường hợp:
o       Dùng với máy móc (Press the button and the engine will start - Bấm cái nút và máy sẽ khởi động).
o       Dùng với nghĩa là khởi hành một chuyến đi (Let’s start early before the traffic gets worse - Hãy khởi hành sớm trước khi giao thông trở nên tệ hơn).
o       Khi nói về một người mở màn, bắt đầu một sự kiện nào đó hay bộ phận khởi động, món khai vị… chúng ta chỉ dùng Starter.
o       Khi bắt đầu từ một điểm xác định nào đó, ví dụ: This collection is very expensive with prices start from £5000. (Bộ sưu tập này rất đắt với giá bán bắt đầu từ 5000 bảng Anh trở lên)
Linh:
-         Start không được dùng thay cho Begin trong các trường hợp:
o       Nói về một người mới hoàn toàn trong một lĩnh vực nào đó (English for beginners - tiếng Anh cho người mới học).
  -         Khi dùng với Talk, Start to talk sử dụng đối với những em bé đắt đầu biết nói còn Begin to talk mới có nghĩa là bắt đầu nói:
o       My baby started to talk 2 weeks ago and her first word was mama - Con tôi mới biết nói 2 tuần trước và từ đầu tiên mà nó nói là gọi mẹ.
o       He began to talk 30 minutes ago and never stopped - Anh ta bắt đầu nói từ 30 phút trước và chưa hề dừng lại.
John: Mong rằng với những chia sẻ vừa rồi, các bạn có thể tự tin hơn nữa khi sử dụng các cặp từ đồng nghĩa Start - Begin.
Linh: Suýt chút nữa là quên mất! Trong thời gian vừa rồi, hòm thư john.linh@aac.edu.vn cũng nhận được rất nhiều thư của phụ huynh các bạn học sinh cấp 1 và cấp 2 bày tỏ băn khoăn trong việc làm thế nào để có thể giúp con em mình học và sử dụng tốt tiếng Anh. Quý vị phụ huynh quan tâm tới chủ đề này xin đừng ngần ngại gửi thư về hòm thư của John & Linh. John & Linh sẽ chọn ra các thư tiêu biểu nhất để cùng chia sẻ với quý vị và các bạn.
John & Linh: Xin chào và hẹn gặp lại!

Phân biệt cách dùng Shall, Will, Should và Would trong tiếng Anh

Trong tiếng Anh, Shall và Will đều sử dụng cho thì tương lai đơn, Shall thì đi với ngôi 1 (số ít và số nhiều), Will đi với các ngôi còn lại.
Linh: Anh John thân mến, mấy hôm nay không thấy kiểm tra hòm thư điện tử hả? Ngập trong thư của bạn đọc rồi đây này. You should check mail as soon as possible! (1)
John: I shall tomorrow. (2)
Linh: No, you shall check mail today! (3)
John: Thôi được rồi, chiều nay anh sẽ làm luôn, trước khi ăn cơm luôn nhé!
Linh: Thế còn được. Mà chiều là việc của chiều, giờ anh John tranh thủ giải đáp thắc mắc này của bạn đọc luôn nhé:
“Phân biệt sự khác nhau, cách sử dụng của Shall, Will, Should và Would?”
John: Câu hỏi này khá hay. Để anh xem nào…
Đều sử dụng cho thì tương lai đơn, Shall thì đi với ngôi 1 (số ít và số nhiều), Will đi với các ngôi còn lại.:
-         (2)
-         He will be here around 3 o’clock.
John: Tuy nhiên, lưu ý rằng khi diễn tả như một quyết tâm, một lời hứa hay một sự quyết đoán, Will lại được sử dụng với ngôi 1 và Shall được sử dụng với các ngôi còn lại (tức là ngược lại so với bình thường).
-         I will marry her, no matter what! (Dù gì đi nữa tôi cũng sẽ cưới cô ấy - không ai có thể cản tôi)
-         It shall be done by tomorrow! (Sẽ xong vào ngày mai - bằng mọi giá tôi sẽ hoàn thành việc đó)
John: Trong tiếng Anh hiện đại, Will gần như không có sự phân biệt khi sử dụng với tất cả các ngôi, trong khi Shall rất ít được sử dụng.
Linh: Rất ít tức là vẫn dùng đúng không anh?
John: Đừng nóng, “từ từ rồi khoai sẽ nhừ”. Shall vẫn được sử dụng trong thể nghi vấn với ngôi 1 để diễn tả một lời, một sự gợi ý, đề nghị hay yêu cầu lời khuyên.
-         Shall we dance? (Chúng ta hãy cùng nhảy chứ? - Tên một bộ phim rất nổi tiếng)
-         Shall I get some chicken on the way back? (Anh sẽ mua thêm ít thịt gà trên đường về nhé? - Anh đang hỏi ý kiến em đấy em yêu, không biết có cần thêm thịt gà không?)
John: Shall còn đôi khi dùng để yêu cầu người khác làm một việc gì đó với nghĩa mạnh gần như Must:
-         (3) (Anh phải kiểm tra hòm thư ngay ngày hôm nay - Việc đó thực sự là cần thiết, thực sự quan trọng)
-         You shall finish your homework before you do anything else! (Con sẽ làm xong bài tập trước khi làm bất cứ cái gì khác! - Đó là mệnh lệnh đấy con trai, con không có lựa chọn nào khác đâu)
John: Shall cũng hay được sử dụng trong các văn bản pháp luật hoặc liên quan đến pháp luật (hợp đồng, biên bản thỏa thuận…) khi nói về những yêu cầu bắt buộc.
-         All fees shall be paid in full 5 days prior to departure date. (Tất cả các loại phí sẽ được nộp đủ trước ngày khởi hành 5 ngày - Tất cả các loại phí phải được nộp đủ, nếu không nộp đủ và đúng hạn sẽ không được khởi hành)
Linh: Ồ, hóa ra là như thế. Vậy còn Should và Would thì sao?
John: Should cũng thường được dùng để thay thế Shall với ý gợi ý, đề nghị hay tìm lời khuyên (một cách lịch sự hơn Shall):
-         Should I open the window? (Tôi sẽ mở cửa nhé - Tôi đang muốn hỏi xem bạn có lạnh không, nếu không thì tôi sẽ mở cửa nhé)
Should được dùng với nghĩa là “nên”:
-         You should open a bank account. You shouldn’t keep that much cash at home. (Chị nên mở một tài khoản ngân hàng đi. Chị không nên giữ nhiều tiền mặt như vậy ở nhà.)
John: Should còn được dùng sau if nếu người nói không dám chắc lắm về một việc có xảy ra trong tương lai không nhưng vẫn có một cơ hội nhỏ rằng sự việc đó sẽ xảy ra:
-         If you should see him at the party, please kindly send him my regards. (Nếu có gặp anh ấy ở buổi tiệc, phiền hãy gửi lời hỏi thăm của tôi nhé - Tôi không chắc là anh ta có đến đó không, tuy nhiên nếu anh ta đến thì hãy chuyển lời giúp tôi.)
John: Would thỉnh thoảng được dùng thay cho used to khi nói về thói quen trong quá khứ:
-         When we were just kids, we would spend hours every morning searching for seashells by the seashore. (Khi còn là những đứa trẻ, mỗi sáng chúng tôi thường ra bờ biển nhặt vỏ sò hàng giờ liền)
Would dùng khi yêu cầu một cách lịch sự:
-         Would you be so kind as to help me on my moving day?
-         Would you go out and check the mailbox?
Linh: Cũng không quá phức tạp như Linh nghĩ nhỉ.
Cám ơn anh John nhé! Các bạn đừng quên hòm thư của John & Linh là john.linh@aac.edu.vn nhé!
John & Linh: Xin chào và hẹn gặp lại!

Cách diễn đạt thích/không thích trong tiếng Anh

Trong tiếng Anh, like - thích (và dislike - không thích) có những mức độ diễn đạt rất phong phú. Ví dụ, khi thích thứ gì đó theo kiểu một niềm đam mê, đàn ông tuyên bố I am attached to/addicted to + football/drinking beer còn phụ nữ thì nói I am crazy about/fancy/in love with + shopping/fashion/cosmetics.
Linh: Anh John có nhớ lâu lâu rồi, có một hôm Linh đi vắng và anh John ở nhà trò chuyện với bạn đọc một mình không? Hôm đó anh John “tâm sự” về tình yêu All about love. Hôm nay Linh muốn anh John giúp Linh All about “like được không? Linh thấy cách diễn đạt like của Linh vẫn chưa phong phú lắm.
John: Thế Linh thường sử dụng những “like” nào rồi?
Linh: Linh thì hay sử dụng like/enjoy/be fond of/be keen on + reading/watching TV chẳng hạn.
John: Trong tiếng Anh like - thích (và dislike - không thích) có những mức độ diễn đạt phong phú lắm đấy Linh ạ.
Những gì Linh vừa đề cập đến chỉ là mức độ bình thường của like mà thôi. Khi thích một thứ gì đó theo kiểu một niềm đam mê, đàn ông sẽ tuyên bố I am attached to/addicted to + football/drinking beer còn phụ nữ sẽ lên tiếng ngay I am crazy about/fancy/in love with + shopping/fashion/cosmetics.
Linh: Vậy khi “like” một cô gái nào đó chẳng hạn, anh John thường sử dụng những cách diễn đạt nào?
John: Đàn ông thường “yêu” bằng mắt, chính vì vậy mà các anh hay thốt lên rằng I think I fall for/love/fall in love with her. I am enchanted by her beauty; I am captivated by her eyes
Tuy nhiên, sau khi khỏi thời gian “say nắng” ban đầu thì người phụ nữ giữ được trái tim các anh chính là người mà làm cho các anh phải thốt lên I am fascinated with her charming personality. I adore/worship her.
John: Đối với những món quà, những kỷ vật hay chỉ đơn giản là những kỷ niệm ngọt ngào mà chúng ta muốn gìn giữ, ta có thể nói I will cherish/treasure + our memories/your present…
Linh: Nếu thích ai theo kiểu thần tượng, ví dụ như thần tượng ca sĩ ABC nào đó chẳng hạn, thì nói thế nào anh?
John: Rất đơn giản: I adore/idolize singer ABC.
Linh biết không, ngược lại với likedislike cũng có những cách diễn đạt đa dạng không kém.
John: Một cách lịch sự, khi nói không thích một thứ gì đó, người ta thường dùng thể phủ định của những câu mang ý like. Ví dụ như I don’t really like it; I am not very fond of it; it’s not really my favorite thing
Đối với những trường hợp mạnh dạn và thẳng thắn hơn nữa thì ta có thể dùng dislike/hate/detest hoặc I can’t stand/bear it.
Linh: Mạnh nữa thì có không anh John?
John: Mạnh hơn nữa thì có thể sử dụng I am disgusted with; I nauseate; I am sick of... nhưng phải rất cẩn trọng vì thường ở mức độ này, các câu nói hay mang nghĩa khinh khi, miệt thị.
Linh: Thế có cái kiểu mà không like hẳn cũng chả dislike hẳn không anh?
John: Lại định hỏi khó người ta hả! Nhưng mà “phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi” nhé!
Ở mức độ này, sự thực là chúng ta không hứng thú với việc được đề cập, tuy nhiên, có chấp nhận nó cũng chả sao, cũng không gây sự phiền phức gì cả. Ví dụ như I don’t mind helping her; I’m not bothered with looking after your house; It’s ok/alright, I suppose.
John: Khi nói hoặc nghe người khác nói những câu này, chúng ta nên chú ý “sắc mặt” một chút. Do chúng mang tính chất chung chung, ở giữa nên sắc mặt có thể cho người nghe thấy được thực sự người nói đang nghiêng về phía like hay dislike.
Linh: Cám ơn anh John nhiều nhé!
John: Hy vọng qua buổi nói chuyện của John&Linh ngày hôm nay, các bạn độc giả sẽ có thêm nhiều lựa chọn để diễn đạt nhưng gì mình thích hay không thích.
Linh: Các bạn đừng quên có thể gửi thư đóng góp, thắc mắc vào hòm thư john.linh@aac.edu.vn.
John & Linh: Xin chào và hẹn gặp lại!
Like/enjoy/be fond of/be keen on:         Thích
Be attached to/addicted to:                   Nghiện
Fancy/be crazy about/be in love with:                Cuồng nhiệt với, điên lên vì, (say) mê
Be enchanted/captivated by:                  Bị bỏ bùa, mê đắm, quyến rũ
Cherish/treasure:                                               Trân trọng, nâng niu
Stand/bear:                                                       Chịu đựng được, chịu đựng nổi
Be fascinated:                                       Bị mê hoặc
Charming:                                                         Quyến rũ
Adore/worship:                                     Sùng bái
Idolize:                                                 Thần tượng ai đó
Detest:                                                  Ghét cay đắng
Be disgusted with/nauseate:                   Ghê tởm
Be sick of:                                                        Chán ốm, phát ốm với cái gì
Mind/be bothered:                                            Thấy phiền với

Cách phát âm “s” trong tiếng Anh

Trong tiếng Anh, “s” ở cuối các từ rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến nghĩa của từ và câu, vì vậy cần lưu ý phát âm đủ và cũng tuyệt đối lưu ý không tự ý thêm âm “s” vào khi nói. Đó là một thói quen không tốt và có hại về lâu dài.
John: Linh đang làm gì đấy mà mồm cứ “nhồm nhoàm” thế kia?
Linh: A, chào anh John! Có gì đâu, Linh tập… uốn lưỡi để phát âm chữ “r” cho chính xác hơn ý mà. “S” Linh phát âm còn tạm ổn chứ “r” thì vẫn còn cứng lắm nên thành ra lại lười phát âm chữ “r”.
John: Lười thế là không tốt, nhưng anh thấy một số bạn lại… “chăm quá”, cũng không tốt chút nào!
Linh: Ý anh là sao?
John: Ý anh là một số bạn phát âm “s” và “r” quá nặng nề do cố gắng quá mức và không tự nhiên, hơn nữa lại còn tự động thêm quá nhiều “s” và “r” vào hầu như khắp các từ trong câu. Việc này làm cho người nghe rất khó hiểu và với cá nhân anh thì tự dưng có cảm giác rất căng thẳng và nặng nề.
Linh: Có một điều này Linh muốn hỏi anh John nhé. Chúng ta thường thêm s hoặc ‘s với danh từ số nhiều, chia động từ ngôi 3 số ít và sở hữu cách. Đa số các trường hợp này ta chỉ cần phát âm thêm s ở đằng sau. Một số trường hợp trong đó thì không thêm s mà thêm es (hoặc chỉ thêm s nhưng đã có sẵn e ở cuối từ vd: Rose -> Roses). Lúc này es sẽ thành một âm tiết mới (vd: Watch -> Watches). Tuy nhiên trong một số trường hợp, chỉ thêm s thôi nhưng vẫn tạo nên một âm tiết nữa cần phát âm. Đúng không anh John?
John: Gần đúng như vậy. Thực ra không hẳn là do s hay es. Ví dụ như tastes vẫn chỉ phát âm là /teists/, tức là cũng như taste và chỉ thêm âm s đằng sau thôi. Để xét xem có tạo thành một âm tiết riêng biệt hay không thì cần phải xét đến âm phát âm cuối của từ đó. Trong các trường hợp như Linh vừa nói, khi thêm s vào sau các từ kết thúc bằng các âm sau thì sẽ tạo thành một âm tiết nữa để phát âm (/iz/):
/s/         Chris’s kisses, the nurse’s purses, Max’s faxes
/∫/         Trish’s wishes
/z/         Rose’s roses
/t∫/        The witch’s watches
/ʤ/       George’s fridges
John: S ở cuối các từ rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến nghĩa của từ và câu, vì vậy cần lưu ý phát âm đủ và cũng tuyệt đối lưu ý không tự ý thêm âm s vào khi nói. Đó là một thói quen rất không tốt và rất có hại về lâu dài!
Rất nhiều người bản ngữ có xu hướng lược bớt các phụ âm trong khi nói khi từ được kết thúc bằng âm s và trước đó có nhiều phụ âm khác. Ví dụ contracts /'kɔntrækts/ thường được phát âm thành /'kɔntræks/ (lược mất t). Chúng ta cũng cần lưu ý điều này để không nhầm lẫn giữa các từ khi người nói lược mất một số phụ âm khi nói:
(She never sends birthday cards.
The lift’s broken.
It tastes funny.
That’s what he expects.)
Linh: Ồ, giờ thì Linh mới rõ về các quy tắc này. Cám ơn anh John nhiều nhé.
John: Các bạn hãy thử xem các động từ sau đây khi chuyển sang ngôi 3 số ít sẽ chỉ phát âm thêm /s/ hay sẽ tạo thành một âm tiết /iz/ nữa nhé.
Linh: Chúc các bạn thành công và hãy nhớ lời khuyên của anh John nhé:
“Đừng quên phát âm âm s nhưng cũng đừng chăm chỉ cho thêm s vào khắp các từ”
John & Linh: Xin chào và hẹn gặp lại!

Học cách tư duy bằng tiếng Anh

Để cải thiện tiếng Anh, ngoài vấn đề về phát âm, người Việt Nam khi học và sử dụng tiếng Anh nên chú ý tới việc tư duy bằng tiếng Anh và diễn đạt theo cách của người bản ngữ.
John & Linh: Xin chào các bạn!
Linh: Anh John ơi, theo anh thì hiện tại việc học và sử dụng tiếng Anh đối với người Việt Nam có những vấn đề khó khăn gì và nên chú ý làm gì để cải thiện?
John: Theo anh thì ngoài vấn đề về phát âm thì các bạn Việt Nam khi học và sử dụng tiếng Anh nên chú ý tới việc tư duy bằng tiếng Anh và diễn đạt theo cách của người bản ngữ.
Linh: Nếu không tư duy bằng tiếng Anh thì khi muốn nói gì đó, chúng ta phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Quá trình này thường tốn nhiều thời gian và hay làm cho “câu cú” của chúng ta bị “lủng củng”, đúng không anh John?
John: Đúng vậy, nếu không diễn đạt theo cách của người bản ngữ thì “văn” của chúng ta sẽ thiếu sự “mượt mà”, dễ gây khó hiểu cho người nghe, đôi khi còn gây ra những hiểu lầm trong giao tiếp.
Để giải quyết được 2 vấn đề này, các bạn hãy đừng chỉ học tiếng Anh trên sách vở mà hãy xem phim, nghe nhạc... bằng tiếng Anh. Hãy cố gắng tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Quá trình này sẽ làm chúng ta quen thuộc với các từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh một cách tự nhiên nhất, chúng ta dần dần sẽ thực sự “ngấm” những kiến thức đã học được qua sách vở hay học được từ thầy cô giáo.
Linh: Theo Linh thấy thì khi giao tiếp với người bản ngữ, nếu quan hệ phù hợp, chúng ta hãy thẳng thắn đề nghị họ sửa lỗi cho chúng ta. Như là Linh với anh John vậy!
John: Có những cách diễn đạt bằng tiếng Việt dịch sang tiếng Anh nghe không hề xuôi, không rõ nghĩa. Đó là chưa kể đến nhiều khi chúng ta nhầm lẫn giữa những từ, những ngữ “có vẻ” giống nhau, gây ra sự khác biệt hoàn toàn về nội dung.
John xin mạn phép lấy một “câu chuyện” sưu tầm từ trang cá nhân của một người nước ngoài đang sống tại Việt Nam để minh họa:
-         Why are you standing there?
-         Just out of curiosity. I’ve stood by this machine for hours but nothing happened!
-         But why?
-         Did you not see the sign?
-         What sign?
-         Here:
-         Maybe you were on the wrong side!
-         Yeah, I’ve just changed to the left for only a few minutes.

John: Theo các bạn, sự hiểu lầm ở trong câu chuyện này là ở đâu và như thế nào mới là đúng?

1.001 cách nói “cám ơn” trong tiếng Anh

Trong tiếng Anh, có nhiều cách để nói “cám ơn”, tùy vào hoàn cảnh và mức độ của sự việc. Tuy nhiên, ranh giới giữa các “mức độ biết ơn” cũng không rõ ràng lắm, cùng một câu nhưng sử dụng với ngữ điệu khác nhau thì cũng đem lại những hiệu quả khác nhau.
Linh: Linh đố anh John biết Linh có 2 câu cửa miệng nào luôn được sử dụng hết công suất khắp mọi nơi mọi lúc không?
John: Dễ ợt, chả phải riêng Linh mà anh cũng sử dụng 2 câu đấy mọi nơi mọi lúc. Đó là “Cám ơn!” và “Xin lỗi!” đúng không?
Linh: Anh John giỏi thật đấy, cái gì cũng biết nhỉ! Thực ra Linh thấy khi nói bằng tiếng Việt, Linh thường chỉ dùng “cám ơn”, “em/cháu cám ơn” hay “cám ơn anh/chị/cô/chú…”, “cám ơn nhiều” chứ không đa dạng như khi Linh nói cám ơn bằng tiếng Anh.
Tất nhiên không phải bởi tiếng Việt không phong phú, mà là do Linh chỉ quen dùng như vậy, còn nếu sử dụng một số cách diễn đạt khác thì cứ thấy “ngại miệng” thế nào ấy.
John: Chắc tại do thói quen của Linh thôi. Trong tiếng Anh thì cũng có nhiều cách để nói “cám ơn”, tùy vào hoàn cảnh và mức độ của sự việc. Tuy nhiên, ranh giới giữa các “mức độ biết ơn” cũng không rõ ràng lắm, cùng một câu nhưng sử dụng với ngữ điệu khác nhau thì cũng đem lại những hiệu quả khác nhau.
Linh: Hay hôm nay chúng ta thi nhé anh John, nhân cơ hội này Linh cũng tranh thủ “ôn bài” luôn. Chúng ta lần lượt liệt kê ra các câu biểu hiện sự biết ơn nhé, mỗi người chỉ có tối đa 5 giây để đưa ra phương án tiếp theo, nếu không thì sẽ thua cuộc.
John: Ok! Cũng coi như đây là cơ hội anh được cám ơn Linh vì những gì Linh đã ủng hộ và giúp đỡ anh trong thời gian qua.
Thanks, Linh!
Linh: Thanks a lot!
John: Many thanks!
Linh: Thanks to you!
John: Thank you very much!
Linh: Thank you so much!
John: I really appreciate it!
Linh: I really appreciate your help with my project!
John: Thank you, without your support, I wouldn’t have been able to make such progress in learning Vietnamese!
 Linh: Thank you, I really enjoyed the surprise birthday party you threw (một sự kiện hay một đồ vật…)!
John: Thank you, I truly value... (mang tính khách sáo cao, trịnh trọng, thường dùng với kiểu your contribution to the company hoặc tương tự)!
Linh: I’m grateful for having you as a friend!
John: There are no words to show my appreciation!
Linh: How can I ever thank you?
John: How can I ever possibly thank you?
Linh: Thanks a million for... !
John: You have my gratitude!
Linh: How can I show how grateful I am for what you did?
John: Ehm… Gracias, Merci beaucoup!
Linh: Anh John lại định “lừa” Linh à, đấy là tiếng Tây Ban Nha với tiếng Pháp chứ.
Không biết đâu, anh thua rồi nhé!
John: Đùa Linh chút thôi mà. Thực ra thì đang muốn mời Linh đi ăn trưa nên coi như anh thua tại đây chứ nếu tiếp tục chắc đến tận chiều mình mới thi xong mất.
Linh: Còn Linh thì thực ra cũng “hết vốn” rồi, anh John mà thêm 1 câu nữa thôi là Linh “tắc tị” ngay.
John: John và Linh đi ăn phở đây, xin chào các bạn độc giả! Các bạn hãy luyện tập cho quen và nhớ để ý đến ngữ cảnh để có thể áp dụng các ngữ trên một cách phù hợp nhất nhé.
John & Linh: Hẹn gặp lại!

Một số chú ý khi giao tiếp bằng tiếng Anh

Để bày tỏ sự quan tâm tới câu chuyện cũng như ngầm thông báo rằng “tôi vẫn đang nghe đây”, cuối mỗi đoạn, khi người nói dừng lại, người nghe nên hưởng ứng bằng cách phát ra các âm thanh “uh huh”, “mmm”… hoặc các câu cảm thán “oh no!”, “really?”, “oh my god!”, “is it for real?”…


Trong một số bài viết gần đây, John & Linh đã chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm để giao tiếp tiếng Anh tự nhiên hơn và hiệu quả hơn. Hôm nay, trước khi đi vắng, anh John vẫn không quên “dặn dò”, nói Linh ở nhà phải “thế này”, phải “thế nọ”, dù lúc đó anh John đã sắp bị muộn rồi. 
Để John khỏi muộn, Linh phải “hưởng ứng nhiệt tình” những gì anh ấy nói cho anh ấy yên tâm chứ thực ra lúc đó Linh cũng chưa biết sẽ chia sẻ với mọi người về vấn đề gì. Nhưng bây giờ thì Linh nghĩ ra rồi. Hôm nay chúng ta sẽ trao đổi một chút về việc “tung hứng” cũng như một số chú ý trong giao tiếp bằng tiếng Anh nhé. (Trong các bài viết trước, John & Linh đã đề cập đến việc sử dụng các từ/âm thanh lấp vào các chỗ gián đoạn khi nói hay cách phản ứng khi nghe chưa rõ.)
Trong giao tiếp, có những lúc chúng ta muốn tường thuật lại một việc gì đó, có khi là một tình tiết, một sự việc ngắn gọn nhưng cũng có khi là một câu chuyện dài hơn với nhiều thông tin và tình tiết mà người nói sẽ tách ra thành những đoạn nhỏ để nói.

Để bày tỏ sự quan tâm tới câu chuyện cũng như ngầm thông báo rằng “tôi vẫn đang nghe đây”, cuối mỗi đoạn, khi người nói dừng lại, người nghe nên hưởng ứng bằng cách phát ra các âm thanh “uh huh”, “mmm”… hoặc các câu cảm thán “oh no!”, “really?”, “oh my god!”, “is it for real?”… hay phụ họa bằng cách đặt những câu hỏi gợi ý hoặc yêu cầu cung cấp thêm thông tin như “and?”, “so what happened?”, “what did you do?”, “what do you mean?”… (điều này được thể hiện rõ qua đoạn ghi âm phía dưới)
Lưu ý rằng ngoài các câu cảm thán, “sự phụ họa” thường được nói với một tông thấp (biểu thị rằng “tôi chỉ phụ họa thôi”) chứ không lên giọng (lên giọng ở đây sẽ có hàm ý rằng “tôi đang muốn nói thêm”, tham khảo đoạn ghi âm phía dưới).
Về phần người nói. khi tường thuật, lại thường sử dụng 2 từ “well” và “anyway”.
“Well” thường được sử dụng với hàm ý rằng “tôi đang trả lời câu hỏi của anh” (chứ không phải đang tiếp tục câu chuyện của tôi).
Cũng có khi, người nghe không đặt câu hỏi nhưng người nói cảm thấy cần cung cấp thêm thông tin về một vấn đề hay chi tiết nào đó để người nghe có thể hiểu rõ câu chuyện hơn (trong đoạn ghi âm, người nói đã sử dụng “you know, my identity card” để làm rõ thêm về “my ID card”).
Sau khi phản hồi các câu hỏi của người nghe hay cung cấp thêm các “thông tin nền” như trên, người nói cần “ra hiệu” rằng tôi đang trở lại với câu chuyện của tôi bằng cách dùng “anyway”.
Các bạn hãy theo dõi đoạn ghi âm dưới đây để xem cách sử dụng và ngữ âm khi nói theo kiểu của người bản ngữ đối với các từ/cụm từ Linh cung cấp. Sau đó các bạn có thể tham khảo nội dung đoạn ghi âm ở cuối bài, với các phần in đậm, để có khái niệm rõ ràng hơn nữa.
Cuối cùng là đừng quên luyện tập theo nhé!
Chúc các bạn thành công!
nếu không nghe được clip mời bạn click vào đây

(A:       I nearly got arrested, you know, the other day.
B:         You what… arrested? What do you mean?
A:        Well, I’m doing this project on graffiti, you know, at college, and ehm… so I have to take lots of photos of graffiti and…
B:         Uh huh
A:        So anyway, I saw this train with some amazing graffiti on the side, so I went there to ehm… take a photo of it. The thing is, it was a bit far from the platform…
B:         So what happened?
A:        Well, I walked along next to the lines, and then these two ehm… station police came along and said I shouldn’t be there, so ehm… they took me to the office, and then they asked for my ID card, you know, my identity card…
B:         Mmm?
A:        Well, I didn’t have it. I left it at home that day.
B:         Oh no!
A:        Yeah, so anyway, then they didn’t know what to do with me, so ehm… I said, “Look, I’ll leave my camera here and I go home to get my ID card”. In the end, they agreed, so I did that, and they ehm…had a look at my ID number, and then just let me go…).

Để tránh bị ngắt lời khi nói tiếng Anh

Khi cần thời gian để suy nghĩ, để nhớ lại một thông tin gì đó hay để chắc chắn lại một vấn đề gì đó, chúng ta cần “ra hiệu” bằng các “tiếng động” không có trong ngôn ngữ như “ehm” hay các cụm từ như “you know”…

Linh: Anh John ơi anh có biết cái…?
John: Cái gì?
Linh: Thì Linh đang nhớ lại này, tự dưng lại quên mất, ai bảo anh lại ngắt lời Linh làm người ta càng không nhớ ra! À, rồi, anh John có biết cái tẩu hút thuốc tiếng Anh là gì không?
John: Pipe. Anh tưởng Linh không nói gì nữa nên thấy lạ mới hỏi vậy thôi. Tại Linh ý. Nói chuyện gì mà nghỉ cả… phút mới nói nốt câu ai mà biết được. Lần sau có nghỉ thì nghỉ ngăn ngắn thôi. Không thì cũng phải “ra hiệu” cho người ta biết là chưa nói hết nữa chứ.
Linh: Là sao, Linh không hiểu?
John: Trong giao tiếp, khi nói chúng ta thường có những đoạn ngắt (pause). Những đoạn ngắt này có thể khách quan xảy ra khi chúng ta cần thời gian để nghĩ hay để chắc chắn một vấn đề gì đó khi nói. Hoặc những đoạn ngắt này đóng một vai trò ngăn cách các phần giữa câu, thể hiện các dấu “” (trích dẫn nguyên văn), dấu phẩy “,”…
John: Khi quãng thời gian để suy nghĩ, để nhớ lại một thông tin gì đó hay để chắc chắn lại một vấn đề gì đó trở nên hơi dài một chút, người nghe sẽ dễ hiểu lầm là chúng ta đã dừng nói. Để tránh tình trạng này, chúng ta cần “ra hiệu” bằng các “tiếng động” không có trong ngôn ngữ như “ehm” hay các cụm từ như “you know”… Chúng ta cũng ra hiệu bằng cách giữ nguyên ngữ điệu (vì cuối câu ngữ điệu thường đi lên hoặc xuống) và kéo dài giọng ra một chút xíu.
Chú ý các đoạn ngắt và các “công cụ” ra hiệu rằng chúng ta vẫn chưa dừng lại trong đoạn ghi âm sau:

 nếu không nghe được mời bạn click vào đây
(A: Ehm:::, I don’t know, I think it’s a bit ehm::: well, like the music you get in supermarkets or in ehm::: in hotel lifts and places like that.
B: Yeah, I know what you mean, but ehm::: I mean, if we have something stronger like ehm::: well, you know, blues::: or modern Jazz or whatever, well, somebody’ll hate it.)
Linh: Anh John có thể nói thêm về đoạn ngắt sử dụng để thể hiện dấu “” khi trích dẫn được không?
 John: Như đã đề cập ở trên, một trong số những lý do của các đoạn ngắt là khi chúng ta muốn trích dẫn lời người khác hoặc một câu nói nổi tiếng. Để trích dẫn, chúng ta sử dụng một ngữ điệu cao hơn ngữ điệu bình thường và cố gắng hết sức có thể tái hiện lại giọng điệu gốc của những gì được trích dẫn ra.
Trong cùng một câu có thể không chỉ có một phần trích dẫn mà có thể có trích dẫn nhiều lần. Mỗi phần trích dẫn và phần lời nói của chúng ta sẽ ngăn cách bằng một đoạn ngắt ngắn và cũng được phân biệt bởi ngữ điệu.

nếu không nghe được mời bạn click vào đây
(I said to Terry, I said, “Can you open the door for me?” and he said, “Open it yourself!”
Can you believe it!)
John: Lưu ý rằng trích dẫn có thể là lời nói của người khác, một câu nói nổi tiếng hoặc cũng có thể là ý nghĩ của chính người đang nói hay những gì được viết trong sách hay tài liệu nào đó.

nếu không nghe được mời bạn click vào đây
(Question one was “What’s the capital of Australia?”
“This is easy”, I thought, so I wrote “Sydney”. Then when I got home I looked in a book. “Australia” it said, “Capital: Canberra”. “Oh no”, I thought, “Failed again!”)
Linh: Rồi rồi, biết rồi. Từ giờ khi chưa nói hết câu mà ngừng lại thì Linh sẽ nhớ “ra hiệu”. Được chưa nào! Còn các bạn độc giả, hãy nhớ áp dụng trong giao tiếp của mình nhé!
John & Linh: Xin chào các bạn!

Phải làm gì khi nghe tiếng Anh mà không hiểu?

…chúng ta có thể căn cứ vào ngữ cảnh để có thể suy luận. Nếu muốn nghe tốt thì cần phải học và luyện cách phát âm chuẩn của người bản ngữ.
Linh: Anh John ơi, mặc dù có nhiều bạn nước ngoài nhưng mà hình như khả năng nghe của Linh vẫn còn kém lắm hay sao ý? Tại anh cả đấy! Ai bảo anh nói tiếng Việt giỏi thế!
John: Chả liên quan đến anh nhé! Anh chia sẻ cho Linh bao nhiêu kinh nghiệm sử dụng tiếng Anh hay thế còn gì. Mà Linh còn có bao nhiêu bạn nước ngoài nữa ý chứ, khả năng nghe giờ chắc cũng không đến nỗi tệ như Linh nghĩ đâu.
Linh: Linh vẫn nghe nhầm suốt, thỉnh thoảng chả hiểu người ta đang nói gì nữa, thế là mất hết cả hứng tiếp chuyện.
John: Anh thấy Linh như vậy là hơi tiêu cực quá. Thậm chí người bản ngữ nói chuyện với nhau mà còn có nhiều lúc nghe nhầm và không hiểu đúng ý của đối phương nữa là người nước ngoài.
Thứ nhất là tiếng Anh cũng có rất nhiều từ đồng âm (hoặc gần như là đồng âm) mà khác nghĩa. Ví dụ như waitweight đều đọc là /weit/ nhưng nghĩa lại hoàn toàn khác nhau.
Thứ 2 là độ ồn và tiếng động ngoại cảnh cũng ảnh hưởng đến việc giao tiếp.
Thứ 3 nữa là tiếng Anh khi nói còn nối âm từ từ này sang từ khác, làm cho người nghe (không phải người bản ngữ) khó nắm bắt.
Thứ 4 là bắt tiếng Anh cũng có rất nhiều giọng từ các vùng miền khác nhau hay thậm chí là từ các quốc gia khác nhau.
Linh: Vậy làm thế nào để giải quyết?
John: Với lý do thứ nhất, chúng ta có thể căn cứ vào ngữ cảnh để có thể suy luận ra từ nào mới là từ mà người ta đang nói đến.
Để giải quyết lý do thứ 2 thì đơn giản rồi, chọn nơi nào phù hợp mà nói chuyện. Nếu không chọn được nơi yên tĩnh hơn thì hai bên đành… nói to hơn vậy!
Với lý do thứ 3 thì như anh đã nói lần trước, nếu muốn nghe tốt thì cần phải học và luyện cách phát âm chuẩn của người bản ngữ. Chúng ta luyện nói nối âm như vậy thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi gặp phải những trường hợp tương tự trong giao tiếp.
Linh: Thế còn lý do thứ 4?
John: Không có cách nào có thể học hết các giọng của tiếng Anh được. Chúng ta chỉ có thể vận dụng kỹ năng suy đoán dựa trên văn cảnh, dựa trên phân tích ngữ pháp… Đôi khi, nếu không hiểu hoặc chưa hiểu rõ người ta đang nói cái gì, chúng ta đừng ngần ngại đặt các câu hỏi hoặc đưa ra các yêu cầu để người nói nhắc lại hoặc làm rõ hơn nội dung đang trao đổi.
Anh sẽ lấy một vài ví dụ cho Linh và các bạn, sau đó chúng ta “tùy nghi” mà áp dụng theo mục đích của mình nhé:
Yêu cầu nhắc lại:
I beg your pardon!
Could you say that again?
Could you repeat that?
Excuse me? (lên giọng)
Sorry, what did you just say?
Yêu cầu nói to hơn (ở nơi ồn hoặc khi nói qua điện thoại):
Could you speak up a bit?
Yêu cầu nói chậm hơn:
Could you speak more slowly, please?
Yêu cầu làm rõ hơn:
Sorry, I don’t understand.
What does it mean? (khi không hiểu một từ/ngữ hoặc một khái niệm nào đó)
How do you spell that? (khi không rõ về tên người, địa danh, công ty hay một tên riêng nào đó)
You mean… …, right? (khi muốn làm rõ một ý nào đó)
Linh: Could you repeat?
John: Lại trêu anh hả? Còn lâu nhé!
Các bạn hãy nhớ nhé, đừng ngại đặt câu hỏi khi mình chưa rõ điều gì. Không có gì là bất lịch sự khi làm gián đoạn câu chuyện chỉ vì chúng ta chưa hiểu rõ. Như vậy còn hơn là cứ để người nói mất công nói mãi mà chúng ta không hiểu gì và toàn bộ cuộc hội thoại trở nên không hiệu quả.
John & Linh: Xin chào và hẹn gặp lại!