Nếu trong câu có động từ “wish” thì câu hỏi đuôi phải dùng “may”, có “must” thì phải tùy theo từng trường hợp mà sử dụng “must”/”need”; còn khi thấy câu một mệnh đề ở sau “think”/”believe”/… thì câu hỏi đuôi phải đặt theo các mệnh đề đó.
Linh: John & Linh rất vui được trở lại với các bạn trong chuyên mục tuần này!
John: Này Linh, em đã giúp anh tổng kết thắc mắc của bạn đọc chưa đấy?
Linh: Tuần vừa qua có khá nhiều câu hỏi thú vị đấy anh John ạ. Em đã chuẩn bị sẵn sàng đây rồi, hôm nay Linh và anh John sẽ giới thiệu tới độc giả một vài trường hợp đặc biệt của cấu trúc câu hỏi đuôi nhé.
John: OK! Trước hết chúng ta nói một câu ví dụ thông thường đã nhé.
Linh wants to travel to Ha Long Bay this summer, doesn’t she?
(Linh muốn đi du lịch vịnh Hạ Long mùa hè này, có phải không?)
Linh: Đó là câu nói theo đúng quy tắc thông thường. Nhưng nếu có động từ “wish” thì câu hỏi đuôi sẽ khác đấy các bạn ạ, khi ấy chúng ta phải dùng “may”:
I wish to travel to Ha Long Bay this summer, may I?
(Tôi mong muốn được đi vịnh Hạ Long hè này, có thể không nhỉ?)
Hoặc là
John wishes to have a big house in Hanoi, may he?
(John mong ước có một ngôi nhà to ở Hà Nội, liệu có được không nhỉ?)
John: Tiếp theo, nếu có từ “must” thì phải tùy theo từng trường hợp để dùng câu hỏi đuôi hợp lý.
“Must” để chỉ sự bắt buộc, cấm đoán thì vẫn làm theo quy tắc:
His daughter mustn’t go out after 22 o’clock, must she?
(Con gái ông ấy không được đi chơi sau 10 giờ tối, phải không?)
Còn “must” để nói về sự cần thiết, chúng ta sẽ sử dụng “need”:
We must have more time to relax after these exams, needn’t we?
(Chúng ta phải có thêm nhiều thời gian để thư giãn sau những bài thi nay, có cần thiết không?)
Hoặc
Linh must do morning exercises to be stronger, needn’t she?
(Linh cần phải tập thể dục buổi sáng để khỏe mạnh hơn, phải không?)
Linh: Và trường hợp “must” trong câu dự đoán ở hiện tại:
The man sitting over there must be the director, isn’t he?
(Người đàn ông ngồi đằng kia ắt hẳn là giám đốc, có phải không?)
Hay là
John must be the richest person in AAC, isn’t he?
(John chắc hẳn là người giàu có nhất ở AAC, phải thế không?)
John: Haiz, em biết anh John đang hết tiền nên cố tình trêu đúng không?
Thêm một dạng nữa các bạn nhé, khi câu được bắt đầu bởi “let’s” để rủ rê ai đó làm gì, ta sẽ dùng “shall we?” ở cuối.
Let’s go to the cinema, shall we?
(Chúng ta đi xem phim đi, được chứ?)
“Let” trong câu xin phép, các bạn cần dùng “will you?” cho câu hỏi đuôi.
Let me go out for a while, will you?
(Cho phép con ra ngoài một lúc, được không mẹ?)
Còn với “let” khi bạn muốn giúp đỡ người khác, cuối câu sẽ là “may I?”
Let me help you wash the dishes, may I?
(Để mình giúp bạn rửa bát nhé, được không?)
Linh: Ngoài ra, trong câu mà có các động từ “think”, “believe”, “suppose”, “seem”… và theo sau là một mệnh đề, thì các bạn phải lấy câu hỏi đuôi theo mệnh đề đó. Chẳng hạn như:
I think it will be rainy tomorrow, won’t it?
(Tôi nghĩ ngày mai trời sẽ mưa, đúng không nhỉ?)
John believes that he can borrow Linh some money, can’t he?
(John tin anh ấy có thể vay Linh chút tiền, có được không nhỉ?)
John: Anh biết là Linh tốt bụng sẽ cho anh vay mà, haha.
John & Linh: Anh John và Linh vừa rồi đã hướng dẫn các bạn sử dụng câu hỏi đuôi trong một vài trường hợp đặc biệt, tin rằng mọi người sẽ không còn thấy khó khăn khi gặp những dạng câu trên.
Chào tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong chuyên mục tuần sau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét