BÉ 5 TUỔI BÉ NÓI TIẾNG ANH SÀNH SỎI
07 LỜI KHUYÊN
Tiếng Anh rất quan trọng, là một phần tất yếu trong hành trang đi tới thành công của mỗi người, điều này thì ai cũng biết. Nhưng, đó là đối với người lớn, còn đối với trẻ em thì sao? Độ tuổi nào thì nên cho bé học tiếng Anh và nên học kiểu gì để đạt hiệu quả cao nhất? Làm thế nào để “bé 5 tuổi bé nói tiếng Anh sành sỏi”? Đây lại là những câu hỏi mà không phải ai cũng biết câu trả lời.
Đứng trên góc nhìn về khả năng nắm bắt ngôn ngữ thì trẻ càng được tiếp xúc với tiếng Anh sớm càng tốt vì càng nhỏ tuổi, trẻ càng ít bị lệ thuộc và chi phối bởi các cách giải thích ngữ pháp và sự tư duy về ngôn ngữ đã được định hình. Nếu muốn, phụ huynh có thể cho các con xem phim hoạt hình, nghe nhạc bằng tiếng Anh thường xuyên ngay từ khi các bé mới 1, 2 tuổi.
Tuy nhiên, nói về khía cạnh giáo dục, lứa tuổi thích hợp nhất để cho trẻ tham gia vào các khóa học tiếng Anh là khi các em khoảng 4 tuổi. Ở lứa tuổi này, các bé đã đủ cứng cáp để tham gia các lớp học ngoại ngữ. Vì lúc này, các hệ cơ tham gia vào quá trình hình thành tiếng nói vẫn còn rất linh hoạt, nên khá dễ dàng để làm quen với cách phát âm của một thứ ngôn ngữ mới.
Vậy, câu hỏi cuối cùng nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để việc học tiếng Anh của trẻ đạt được hiệu quả cao nhất? Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện hết sức hữu ích với bà Jenny - Trưởng phòng Đào tạo, Tập đoàn Ngôn ngữ & Kỹ năng AAC (AAC) – một trong những tổ chức uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực giảng dạy các khóa tiếng Anh và kỹ năng cao cấp:
• Thưa bà, theo bà thì làm thế nào để tối ưu hóa việc học tiếng Anh của trẻ em:
- Cùng một mục đích như nhau nhưng việc giảng dạy tiếng Anh cho người lớn và việc giảng dạy tiếng Anh cho thiếu niên hay cho thiếu nhi vẫn tồn tại rất nhiều khác biệt. Có những thứ có thể áp dụng rất tốt cho tất cả các đối tượng và cũng lại có những phương pháp chỉ có thể áp dụng tốt cho một nhóm đối tượng nhất định. Tôi xin đưa ra đây một số lời khuyên bao gồm các điều nên, không nên và những điều kiện cần, những phương pháp đúng:
1. Giáo viên phải là những người được đào tạo bài bản, tâm huyết và kiên nhẫn với trẻ, tạo cho trẻ cảm giác yêu mến, thích nghe người đó nói. Nếu ngược lại, trẻ sẽ có tâm trạng chán ghét hoặc sợ sệt, việc dạy và học theo đó mà mất đi tác dụng. Thật là sai lầm khi dạy trẻ học mà áp dụng “kỷ luật thép”.
2. Chương trình giảng dạy cũng như hệ thống tài liệu bổ trợ tiêu chuẩn, được xây dựng phù hợp với từng trình độ và lứa tuổi học sinh. Trẻ em học ngôn ngữ tốt hơn người lớn không có nghĩa là các em có thể tiếp thu được lượng kiến thức nhiều hơn người lớn. Việc phân bổ lượng kiến thức và các loại kiến thức cũng như thời lượng học cho các phần bài giảng khác nhau phải được cân đối và tối ưu hóa.
3. Môi trường học tập cũng hết sức lưu ý. Phải tạo cho trẻ sự thoải mái. Ngoài ra, các bạn học cùng cũng đóng vai trò tương hỗ và giúp nhau học tốt. Không nên chỉ căn cứ theo lứa tuổi mà còn phải căn cứ vào khả năng của các em. Các bạn có một chút chênh lệch về tuổi cũng có thể học cùng với nhau nếu xét về khả năng tương đồng nhau.
4. Không nên ép trẻ phải học kiến thức, mà hãy biến các bài giảng thành các hoạt động, các trò chơi, các bài hát. Một số phụ huynh thậm chí có ý kiến là “Học hay là chơi đây?!?”. Xin quý vị hãy nhớ rằng, trẻ em khác người lớn, việc học của các em do vậy cũng rất khác người lớn. Nếu để trẻ hăng say “chơi” như vậy, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên là trẻ sẽ học được những gì.
5. Việc học tiếng Anh của trẻ phải đảm bảo tính liên tục, không thể chỉ là một “khóa học thêm mùa hè” hay một “khóa học ngắn hạn cấp tốc”. Cần cho trẻ học lâu dài và tránh bắt trẻ phải học quá dầy đặc. Khóa học 1 năm, mỗi tuần 2 buổi thì hiệu quả hơn nhiều lần so với khóa học tuần 5 buổi nhưng chỉ kéo dài trong 3, 4 tháng.
6. Người lớn thường áp đặt trẻ theo ý của mình và điều này đã kìm hãm sự sáng tạo cũng lòng đam mê của các em. Thậm chí việc quá quan tâm săn sóc cũng vô hình chung cản trở sự tiến bộ của trẻ. Có rất nhiều phụ huynh khi không được vào lớp cùng con em mình thì đã chọn cách đứng ở cửa lớp để “cho yên tâm”. Việc này không những làm trẻ bị phân tâm mà còn tạo cho trẻ thói quen ỷ lại
7. Phải khuyến khích trẻ kịp thời. Không có gì là có thể tạo động lực cho bé khi nhận được lời khen hay những phần quà dù chỉ rất nhỏ từ phụ huynh, nhà trường hay thầy cô giáo. Trẻ sẽ rất cố gắng để lại được nhận những lời khen như vậy.
Việc giáo dục luôn đòi hỏi sự kết hợp từ cả phía gia đình và nhà trường, mong rằng bé dù chỉ 5 tuổi, bé cũng có thể nói tiếng Anh “sành sỏi”.
• Bé 5 tuổi, bé nói tiếng Anh “sành sỏi”, bà có thể cho biết rõ thêm?
- Như tôi đã nói ở trên, trẻ em học ngôn ngữ tốt hơn không có nghĩa là các em tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Chúng ta đừng quá kỳ vọng là con em mình có thể “học sâu, hiểu rộng” về tiếng Anh ngay từ những ngày đầu chập chững. Nói như vậy không có nghĩa là bé 5 tuổi bé không thể nói tiếng Anh “sành sỏi”. Hãy tưởng tượng, con bạn, mới chỉ 5, 6 tuổi và mới chỉ biết một vài từ, một vài câu tiếng Anh đơn giản nhưng phát âm rất chuẩn, ngữ điệu rất “Tây”. Và chỉ với chút “vốn liếng” ít ỏi đó, các bé lại rất tự tin “dốc hết ruột gan” khi gặp người nước ngoài. Thử hỏi, ngưới lớn chúng ta, có thể giỏi tiếng Anh hơn, nhưng ngữ âm ngữ điệu có thể được như vậy không? Câu trả lời là không, vì chúng ta đã quá quen với “âm” tiếng Việt rồi. Hơn nữa, với vốn tiếng Anh nhiều hơn rất nhiều, chúng ta cũng chưa thể 100% tự tin như các bé. Vậy thì tôi phải đồng ý rằng, bé 5 tuổi, bé nói tiếng Anh “Sành sỏi”.
• Cám ơn bà về cuộc nói chuyện rất lý thú ngày hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét