Các câu so sánh rất thường xuyên được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, so sánh ngang bằng “as…as”, so sánh hơn/so sánh nhất với “er/est” ở sau hoặc more/most ở trước tính từ.
Ngoài ra, còn có so sánh hơn kém về số lượng, hơn kém gấp mấy lần, những thứ tưởng chừng rất đơn giản nên hay bị chúng ta bỏ qua, không chú ý đến.
Linh: Chào các độc giả của Chuyên mục John & Linh!
John: Chào mọi người, chào Linh!
Linh: Anh John dạo này ăn diện quá nhỉ, áo mới sặc sỡ quá đấy nhé.
John: Haha, anh mới sắm một loạt áo cho mùa hè này đấy Linh ạ. Em thấy anh thời trang không?
Linh: Cũng bắt mắt lắm, nhưng có đắt tiền không anh John?
John: Tất nhiên rồi, em xem xịn thế này cơ mà. Anh mua gần 500.000 đồng đấy.
Linh: Ồi trời ơi, đắt gấp đôi lần chiếc áo em đang mặc đấy. Anh John ăn chơi quá đấy nhé.
John: Haha, anh cũng chỉ dám mua 1 chiếc thế này để mặc trong chuyên mục hàng tuần của chúng ta thôi, những các còn lại đều rẻ hơn của Linh.
Mà em có biết nói “đắt hơn gấp đôi” trong tiếng Anh như thế nào không? Cả câu nhé, “Áo của John đắt gấp đôi áo của Linh.”
Linh: Câu này em sẽ dùng ngữ pháp so sánh hơn:
John’s shirt is twice more expensive than Linh’s one.
John: Haha, sai rồi nhé. Những câu nói so sánh “gấp mấy lần” thế này trong tiếng Việt rất thường dùng, nhưng các bạn học tiếng Anh lại rất hay không để ý nhé. Cho Linh thêm một cơ hội nữa đấy.
Linh: Ôi, giờ em mới chú ý mẫu câu kiểu này, đúng là bấy lâu nay chưa nói bằng tiếng Anh bao giờ thật. Em thử lại này:
John’s shirt is more twice expensive than Linh’s one.
John: Vẫn chưa chính xác. Để anh John làm mẫu câu này nhé:
John’s shirt is twice as expensive as Linh’s one.
Mặc dù đúng là đắt “hơn” nhưng chúng ta lại sử dụng cấu trúc “as … as” như khi so sánh bằng đấy.
Linh: Thì ra là thế, anh John hướng dẫn em mới biết cách nói này đấy, đúng là học hành sơ suất thật.
John: Bây giờ anh muốn nói “Anh John có thể lái xe nhanh hơn Linh gấp 3 lần”. Linh dịch cho anh xem nào.
Linh: John can drive 3 times as fast as Linh.
Đúng chưa nào?
John: Rất đúng. Thêm một cấu trúc câu “đơn giản thường gặp” nữa Linh nhé. Ví dụ này:
“Linh biết nói ít hơn anh John một ngoại ngữ.”
Anh biết cả tiếng Pháp nữa cơ mà, haha.
Linh: Ôi, lần thứ 2 trong ngày em lại không thể trả lời chắc chắn. Nhưng mà em cứ thử sức xem sao:
Linh can speak fewer 1 language than John.
John: Chúc mừng Linh, đó là một câu trả lời hoàn toàn... không chính xác.
Linh: Sao em lại có thể bỏ qua những cấu trúc câu đơn giản thế này cơ chứ, haiz.
John: Đó là chuyện rất bình thường thôi mà, thế nên mới phải chịu khó học hỏi, haha.
Anh John chữa lại giúp Linh nhé:
Linh can speak 1 language fewer than John.
Linh: Sắp tới em sẽ học thêm tiếng Ý, tiếng Nhật. Khi bằng tuổi anh John em sẽ biết nhiều thứ tiếng hơn cho mà xem. Anh hơn em tận mười tuổi cơ mà.
You are ten years older than me.
John: Được rồi, chúng ta cũng chờ 10 năm sau nhé, haha.
John & Linh: Linh và John vừa hướng dẫn độc giả 2 cấu trúc câu khá đơn giản và thường dùng nhưng lại hay bị mọi người bỏ qua. Hy vọng tuần này sẽ nhận được nhiều câu hỏi thú vị của các bạn tại địa chỉ mail:john.linh@aac.edu.vn
Chúc các bạn một tuần may mắn!