Thông tin mới nhất từ AAC

AAC (news): IELTS, TOEIC, Tiếng anh, trẻ em, thiếu niên, người lớn, trung tâm tại Hà Nội

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Phân biệt “Hear” và “Listen” trong tiếng Anh

Từ HearListen trong tiếng Anh đều có thể dịch là nghe. Để dịch chính xác thì phải căn cứ vào văn cảnh, tuy nhiên để dễ hiểu hơn về cách sử dụng của 2 từ này có thể tạm dịch Hear là nghe thấy và Listen là lắng nghe.
Linh: Thân chào các bạn! Sau một tuần dài, hôm nay John&Linh lại có cơ hội được nói chuyện với các bạn độc giả thân mến.
John: Các bạn có hài lòng với một tuần vừa rồi của mình không? Sắp tới cuối tuần rồi, lại sắp được nghỉ ngơi rồi.
Linh: Việc nghỉ ngơi là của thứ Bảy và Chủ Nhật, còn hôm nay nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục giải đáp thắc mắc của bạn đọc kia kìa anh John!
John: Anh đã “ý kiến ý cò” gì đâu mà chưa gì đã bị Linh “đá xoáy” rồi. Anh vẫn nhớ phải trả lời bạn Hoàng Phương ở địa chỉ ***hoangphuong@yahoo.co.uk:
“Anh chị giúp em phân biệt Hear và Listen nhé, em cám ơn nhiều nhiều!”
John: Bạn Phương thân mến, Hear và Listen đều có thể dịch là nghe. Trong tiếng Anh, để dịch chính xác thì phải căn cứ vào văn cảnh, tuy nhiên để dễ hiểu hơn về cách sử dụng của 2 từ này thì chúng ta hãy cứ tạm dịch Hear là nghe thấy và Listen là lắng nghe.
Linh: Anh John dịch như vậy hẳn các bạn cũng “vỡ” ra một chút rồi đúng không? Ở đây nếu không bàn về khía cạnh ngữ pháp mà chỉ bàn về khía cạnh nghĩa và tình huống sử dụng thì chúng ta chỉ cần lưu ý:
  • Hear - thể hiện tính thụ động
  • Listen - thể hiện tính chủ động
Thụ động có nghĩa là tự dưng nó đến, nhiều khi bạn không biết trước, không trông mong và không kiểm soát được. Chủ động có nghĩa là bạn muốn nghe cái gì đó, bạn lắng nghe nó với sự chú ý, bạn chọn lựa để nghe nó.
John: Nghe hơi máy móc nhỉ! Không sao, hãy xét các tình huống sau:
Ai đó nói và chợt bạn nghe thấy, đó là Hear. Bạn nghe thấy và dường như đó là người quen của bạn đang nói nên bạn lắng nghe xem có phải đúng là người quen của bạn không, đó là Listen.
Linh: Bạn nghe thấy tiếng xe cộ chạy qua, thật là ầm ĩ. Nhưng xe cộ chạy qua thì phải có tiếng rồi, đó là điều hiển nhiên, dù bạn có không muốn cũng phải nghe thấy. Đó là Hear. Bạn mở radio để nghe, vì bạn biết giờ này có chương trình ca nhạc mà bạn yêu thích và muốn nghe. Đó là Listen.
  • Did you hear what I just said? (Anh có nghe THẤY tôi vừa nói cái gì không?)
Sorry, I wasn’t listening. (Xin lỗi thầy, em đã không chú ý LẮNG nghe.)
  • Did you hear that? (Cậu có nghe THẤY không?)
What? (Cái gì cơ?)
That! Listen, it comes again! (Đó! LẮNG nghe mà xem, lại nữa đấy!)
  • I know you’re in there! I heard the TV! (Mẹ biết con ở trong đó rồi! Mẹ đã nghe thấy tiếng TV rồi!)
I listen to the radio every morning. (Sáng nào tôi cũng nghe radio.)
John: Sự thụ động và chủ động còn được nhắc đến khi muốn biết sự khác nhau giữa See, Look và Watch nữa.
  • See – thể hiện tính thụ động
  • Look và Watch – thể hiện tính chủ động.
Linh: Cách giải thích cũng tương tự như với Hear và Listen. Hãy xét một vài ví dụ cụ thể:
  • Wait, I think I see something! (Đợi đã, tôi nghĩ là tôi thấy cái gì đó) – bất chợt tôi nhìn thấy cái gì đó, tôi không biết trước và cũng không dự kiến sẽ nhìn thấy.
  • I looked at him. He’d changed a lot. (Tôi nhìn anh ấy. Anh ấy đã thay đổi nhiều quá.) – tôi nhìn một cách chăm chú, có chủ định vì đã lâu rồi tôi không gặp anh ấy nên muốn biết anh ấy thay đổi ra sao.
  • I looked out the window and saw him standing right at the door. (Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy anh ấy đang đứng ngay ở cửa.) Tôi nhìn ra cửa là có chủ ý, và tôi điều khiển mắt tôi hướng ra cửa nên tôi dùng Look. Tôi không biết trước là sẽ thấy anh ấy, đây là sự việc bất ngờ. Tôi thấy anh ấy chỉ vì tôi nhìn ra cửa sổ thôi, vì vậy tôi dùng See.
John: Riêng đối với Watch, hành động nhìn ở đây tiến thêm 1 bậc nữa thành “xem”, tức là nhìn chăm chú, có chủ đích, theo dõi một quá trình vận động nào đó. Ví dụ như tôi xem một trận bóng, một bộ phim, xem bố tôi sửa xe để học theo…
Linh: Một vài ví dụ:
  • I watch him walk away without any regret. (Tôi nhìn anh ra đi mà không hề hối tiếc).
  • Next time, please stay awake and watch the game from the beginning till the end! (Lần sau thì hãy làm ơn tỉnh ngủ và xem trận đấu từ đầu cho tới cuối nhé!)
John&Linh: Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!
Hẹn gặp lại vào tuần sau!

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Tại sao “nhớ nhà” không phải là “Housesick”?

Trong tiếng Anh, từ House chỉ căn nhà, chỉ một vật thể nhất định, còn từ Home chỉ nơi chúng ta ở hay nơi chúng ta có cảm giác thuộc về.
Linh: A lô, anh John đang ở đâu thế?
John: At home!
Linh: Điêu thế, “at home” mà nghe thấy tiếng xe ầm ĩ thế à. Anh John biết mấy giờ rồi không? Hẹn hò thế này thì chết!
John: Òa!
Linh: Giật hết cả mình, đến từ lúc nào mà Linh không biết thế. Đến muộn thì phải chịu phạt giải đáp thắc mắc của bạn đọc rồi mới được đi.
Bạn Hoa ở địa chỉ hoa***@yahoo.com có nhờ giải thích sự khác nhau giữa “home” và “house” đấy.
John: À, đơn giản thôi bạn Hoa ạ.
House - Chỉ căn nhà, chỉ một vật thể nhất định.
Home - Chỉ nơi chúng ta ở hay nơi chúng ta có cảm giác thuộc về.
2 từ này khác nhau ở mục đích nói, có thể rõ hơn qua các ví dụ:
He’s just bought a doll’s house for his daughter on her birthday.
It’s hard to get new houses in the city. They are extremely expensive.
It’s not hard to build a house for your child; it’s hard to build him a home!
Chính vì sự khác nhau này mà chúng cho có:
Housework - việc nhà: các công việc liên quan đến căn nhà.
Homework - bài tập cho về nhà.
Và chúng ta cũng có Homesick là nhớ nhà chứ không phải Housesick, vì nhớ nhà ý là nhớ gia đình, nhớ nơi chúng ta thuộc về chứ không phải là nhớ cái căn nhà đó.
Nhân tiện hôm nay, John cũng muốn chia sẻ với các bạn về các kiểu diễn đạt khi chúng ta hiểu hoặc không hiểu gì đó thay vì I know, I understand hay I don’t know, I don’t understand.
  
Linh: Hay đấy anh John! Linh cũng biết một số cách diễn đạt như:
Do you get it? ≈ Do you understand?
I get it ≈ I understand
I don’t get it ≈ I’m not following you ≈ I don’t understand
John: Đúng rồi:
I have no idea ≈ I don’t know (hoặc I’ve got no idea)
I don’t have a clue ≈ I don’t know (hoặc I’ve got no clue)
Để nói I don’t know còn rất nhiều cách diễn đạt khác nữa:
You've got me there!
That’s beyond me!
Linh: Anh John à, Linh còn nghe thấy người ta nói “Is that clear?”, “Do I make myself clear?” là sao hả anh?
John: 2 câu đó có cùng ý nghĩa hỏi người khác xem đã rõ về mọi thứ chưa, đã hiểu những gì vừa được trình bày/vừa được nói chưa. Tuy nhiên, câu sau có vẻ hách dịch, bề trên hơn chút xíu. Câu này hồi nhỏ John hay nghe cha hỏi sau mỗi lần John mắc lỗi và bị cha “giảng đạo” (cười).
Is everything clear?
Linh: Yeah, absolutely clear!
John & Linh: Chúc các bạn một buổi chiều vui vẻ!
Xin chào và hẹn gặp lại!

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Dùng từ “Just” khi nào?

Trong tiếng Anh, đôi khi từ Just được dùng để làm cho câu nói nghe “mềm” hơn, “xuôi tai” hơn…
Linh: Anh John ơi, có lẽ chúng ta lại dành buổi hôm nay để giải đáp bớt thắc mắc của bạn đọc thôi. Hòm thư john.linh@aac.edu.vn của chúng ta lúc nào cũng trong tình trạng quá tải!
John: Đừng lo Linh ơi, các bạn đọc chắc sẽ thông cảm với chúng ta thôi, John & Linh chỉ có 2 người mà lại có biết bao nhiêu bạn đọc yêu mến và tin tưởng đã gửi thư về bày tỏ tình cảm dành cho chuyên mục cũng như chia sẻ những thắc mắc về tiếng Anh của mình.
Bạn Nga Nguyễn ở địa chỉ nga***@gmail.com có hỏi:
“Sự khác nhau giữa somethings và some things và something như thế nào?”
Bạn Nga thân mến, “some things” là 2 từ riêng biệt: some - một vài, things - đồ vật, điều, việc… (số nhiều, vì đi với some mà).
Something: Một điều gì đó, một việc gì đó; cái gì đó.
Ví dụ:
  • I need some things to complete the task: A knife, a hammer and glue.
Tôi cần vài thứ để hoàn thành công việc: một con dao, một cái búa và keo.
  • There’s something he’s been hiding from us.
Hắn vẫn giấu chúng ta một điều gì đó!
Còn somethings, có lẽ bạn đã có sự nhầm lẫn hoặc ai đó đã sử dụng nhầm lẫn. Somethings có thể là do viết nhầm hoặc do lỗi đánh máy của some things hoặc something’s
Bạn Minh ở địa chỉ ***quocminh@rocketmail.com có thắc mắc:
How to use prefer + to inf. and prefer + V.ing. Is there any difference between them?
Linh: Bạn Minh thân mến, Linh xin được chia sẻ với bạn như sau:
Về mặt ngữ pháp, không có sự khác nhau đáng kể giữa 2 cấu trúc này. Tuy nhiên về mặt ý nghĩa là lại có một chút. Khi muốn nói đến những hành động, sự việc nói chung thì người ta có xu hướng sử dụng prefer + V.ing, khi muốn nói đến một hành động, sự việc cụ thể hoặc trong một hoàn cảnh nhất định thì người ta có xu hướng dùng prefer + to inf.
Để hiểu rõ hơn, bạn hãy tham khảo ví dụ:
  • I prefer swimming to jogging.
Tôi thích bơi lội hơn là đi bộ. (Nói chung là để tập thể dục thì tôi thích đi bơi hơn là đi bộ, vì đi bơi mát mẻ hơn chứ đi bộ thì nóng nực lắm!)
  • I’m feeling a bit tired so I prefer to take a cab rather than walk.
(Bình thường thì tôi thích đi bộ về nhà hơn vì nhà tôi cũng gần đây thôi nhưng do tôi đang hơi mệt nên tôi thích đi taxi về nhà hơn là đi bộ.)
Bạn đọc ở địa chỉ trudylee_baby_lovely@***.com muốn biết:
Sự khác biệt và cách dùng, trường hợp áp dụng của 2 từ JustOnly
John: Câu hỏi này muốn giải đáp hết thì rất khó do thời gian có hạn. John xin trả lời ngắn gọn, tập trung vào những trường hợp hay sử dụng nhất thôi nhé.
Just: Phó từ - vừa mới, vừa đủ, vừa kịp
  • Just in time! (Vừa kịp giờ)
  • I’ve just been back from HCM City. (Tôi vừa mới từ TPHCM về)
Trường hợp hay gây thắc mắc nhất là khi just cũng được dùng với nghĩa là “chỉ”. Sau khi cùng phân tích một vài ví dụ, John nghĩ các bạn sẽ tự nhận ra sự khác biệt:
  • I stopped by his house just to say thanks.
(Tôi qua nhà anh ấy để cám ơn, hành động đó không đáng gì đâu vì anh ấy đã giúp tôi rất nhiều - just ở đây không có “nhiều” nghĩa lắm, nhưng câu nói nghe lịch sự hơn và thuận miệng hơn)
  • I stopped by his house only to say thanks.
(Tôi qua nhà anh ấy chỉ để cám ơn chứ không có mục đích nào khác, không làm gì khác, không ở lại nói thêm chuyện gì, cũng không ở lại ăn cơm…).
  • Can I ask you just one more question?
  • Can I ask you only one more question?
2 câu này mang ý nghĩa như nhau: chỉ thêm một câu hỏi nữa mà thôi chứ không thêm 2, 3 hay nhiều câu. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, đôi khi just được dùng để làm cho câu “mềm” hơn, nên câu đầu tiên có vẻ như nghe lịch sự hơn.
Linh: Đúng vậy, just còn được dùng cho câu văn nghe “mềm” hơn, “xuôi tai” hơn:
  • Just go! - Đi đi mà (câu văn nghe mềm hơn, đỡ mang tính chất ra lệnh)
John & Linh: Xin chào và hẹn gặp lại các bạn!

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

“Trust” khác gì với “Believe”?

Hai động từ TrustBelieve đôi khi cũng được người ta sử dụng thay cho nhau nhưng cũng có những sự khác biệt nhất định.
John: Linh ơi, could you lend me some money? I left my wallet at home. I promise I’ll return it tomorrow!
Linh: Đơn giản thôi mà, no need to promise. I believe that you will because I trust in you!
John: Linh đúng là cứu tinh của anh đấy, vừa mới ăn phở xong mới biết là quên ví, ngượng quá! Để ra trả tiền chị bán phở đã.
Linh: Từ từ đã anh John. Trước khi đi nhân tiện giải đáp luôn thắc mắc của bạn đọc ở địa chỉ ximdo**@gmail.com đã nhé:
Cho em hỏi sự khác nhau giữa 2 động từ Trust và Believe

John: Vừa rồi Linh đã dùng TrustBelieve rất đúng rồi đấy.
2 động từ này đôi khi cũng được người ta sử dụng thay cho nhau nhưng cũng có những sự khác biệt nhất định.
Trước tiên, cần biết rằng Trust mang nghĩa nhấn mạnh hơn Believe. Mức độ “tin” của Trust lớn hơn của Believe.
Trust:
-         Được sử dụng với niềm tin tuyệt đối. Khi bạn Trust someone có nghĩa là bạn tin tưởng vào một người nào đó và từ đó sẽ tin vào những lời nói và hành động của người đó. Nó cũng có nghĩa là bạn nghĩ rằng người đó đáng tin cậy, có thể gửi gắm được (reliable).
-         Sự tin tưởng này thường dựa vào mối quan hệ gần gũi, lâu dài với chủ thể được đề cập.
-         Trust mang tính chất lâu dài, là một niềm tin tồn tại theo thời gian.
Believe:
-         Được sử dụng với những hành động, lời nói hay sự việc cụ thể hơn, không mang tính chất hoàn toàn, không mang tính chất tuyệt đối.
-         Sự tin tưởng này được hình thành dựa vào một lý do, một phán đoán nào đó hay dựa vào những nhìn nhận, đánh giá của bạn hay của một ai đó chứ không dựa vào mối quan hệ gần gũi lâu dài với chủ thể được đề cập.
-         Sự tin tưởng này mang tính chất nhất thời hơn, chỉ gắn với một hành động, lời nói hay sự việc nhất định nào đó.
John: Ví dụ của Linh vừa rồi rất phù hợp để nói lên sự khác biệt giữa Trust và Believe:
I believe that you’ll do because I trust in you.
Believe ở đây là tin rằng hành động “return the money” sẽ được thực hiện dựa trên lý do là do Linh đã tin tưởng vào con người John.
Lý do Linh tin tưởng vào con người John (trust) là dựa vào mối quan hệ gần gũi, thân thiết của John và Linh. Chính vì tin tưởng vào con người John (trust) mà Linh cũng tin vào sự ứng xử, vào hành động của John, trong đó có hành động là “will return the money”.
John: Đấy, Linh đã “hài lòng” chưa? Để anh ra “thanh toán” tiền ăn sáng đã nhé. Chị bán phở cho nợ bởi vì anh là khách quen nên She believes that I will surely pay.
Linh có gì cần thông báo với các bạn độc giả thì thông báo đi không có lại quên bây giờ.
Linh: Đúng rồi, Linh quên mất.
Các bạn độc giả ơi, từ nay đến hết 15/8/2011, các bạn độc giả của John&Linh khi đăng ký khóa học tiếng Anh bất kỳ tại AAC sẽ được tặng giáo trình và đĩa (nếu có). Để nhận được ưu đãi này, các bạn chỉ cần gửi về hòm thư john.linh@aac.edu.vn các thông tin cá nhân của mình là được.
Chúc các bạn ngày một học tốt và sử dụng thành thạo tiếng Anh!
John & Linh: Xin chào và hẹn gặp lại các bạn!